Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011
THƯ CỦA PGS.TS. PHẠM CÔNG HÀ Thân gửi chú Đỗ Xuân Thọ - Tác giả “Tâm Vũ Trụ”! Có lẽ chú thấy buồn cười, vì thời đại tin học này mà vẫn có người viết trên giấy, vẫn có người chỉ hút thuốc lá Du lịch, chỉ thích uống dăm ba chén rượu trắng, xa lạ với đặc sản, “chân dài” và nhiều miền văn minh thời thượng. Anh thuộc lớp các đối tượng lạc hậu. Biết vậy, nhưng già rồi, chẳng theo làm gì cho mệt. Có một bài thơ khuyết danh mà anh đồng cảm, mượn nó để chia sẻ cùng chú: Trời buồn làm gì trời rầu rầu Anh yêu em xong anh đi đâu? Lắng tiếng gió suối thấy tiếng khóc Một bụng một dạ một nặng nhọc Ảo tưởng chỉ để khổ để tủi Nghĩ mãi gỡ mãi lỗi vẫn lỗi Thương thay cho em căm thay anh Tình hoài càng ngày càng tày đình. Bình thường thì tâm hồn anh phẳng lặng, cái đầu của anh chỉ chứa những tập trống. Nhưng khi có những thông tin mới thổi vào thì tất cả bừng tỉnh. Và nếu đó là những thông tin gây xốc thì tư duy của anh dễ bị xáo trộn. Những lúc đó nếu gõ vào bàn phím thì mười kí tự sẽ sai bốn, còn nếu viết bằng bút bi thì trang giấy sẽ bị toe toét vì các nét gạch xoá. Bởi vậy anh hay viết bằng bút chì. Tay phải cầm bút, tay trái cầm tẩy. Đọc lại mấy câu vừa viết, thấy từ nào hung hăng quá thì tẩy đi, thay từ khác nhẹ nhàng hơn. Cứ như thế, tâm hồn sẽ dần lắng xuống, cái đầu sẽ bớt nóng đi, cho đến khi ta cảm thấy hoàn toàn thanh thản, hoàn toàn tỉnh táo để có thể dẫn dắt nội dung tư duy của mình bằng những ngôn ngữ giản dị nhất, khiêm nhường nhất. Viết bằng bút chì âu cũng là một lối thiền mà anh đã chọn. Với bức thư này thì càng cần phải viết bằng bút chì bởi “Tâm Vũ Trụ” đã phủ lên anh một cơn bão. Trong khi đọc và ngay cả sau khi đọc, cơn bão lòng vẫn chưa lắng xuống. “Tâm Vũ Trụ” là một sự phá cách, một cuộc nổi loạn thật sự, một sự thách thức với lương tri truyền thống, khiến cho những cái đầu nền nã, mực thước phải hốt hoảng. Mấy hôm nay, anh không hiểu là mình điên hay tác giả Đỗ Xuân Thọ điên. Cõ lẽ cả hai cùng điên. Người nào đọc “Tâm Vũ Trụ” một cách nghiêm túc cũng sẽ thành điên. Với 22 khái niệm được trình bày dưới dạng định nghĩa, tác giả đã tung ra 42 “chưởng” - Định lý làm cho tạo hoá cũng phải quay cuồng. Thế rồi tất cả đều hướng vào một điểm sâu thẳm ở cõi hư vô: Tâm Vũ Trụ. Chú muốn anh có ý kiến phản biện cho công trình này, song điều đó vượt quá khả năng của anh. Một công trình khoa học công phu và nghiêm túc, được xây dựng và gọt rũa qua nhiều năm và đã đạt đến mức thâm hậu như “Tâm Vũ Trụ” thì những ý kiến hời hợt của anh không thể gọi là phản biện được. Hãy coi đây là những lời tâm sự của bạn đọc với Tác giả, như vậy sẽ đỡ cho anh trách nhiệm nặng nề. Nói đến Vũ trụ, người ta thường hình dung ngay đến Vũ Trụ vật lý thiên văn mà ở đó vật chất vận động theo các quy luật của vật lí cổ điển, cơ học lượng tử và thuyết tương đối của Enstein. Sự sống cũng được hình thành theo các quy luật vận động đó để tạo nên các phần tử xoắn AND mang các gen di truyền giúp cho nòi giống được kế tục. Người ta cũng đưa cả Ý thức vào vũ trụ này, song nó được mô tả một cách khiên cưỡng, mơ hồ, thiếu sức thuyết phục. Còn đối tượng Tâm linh thì tất cả các lí thuyết hiện tại đều bó tay. Ấy vậy mà Tác giả Đỗ Xuân Thọ đã thâu tóm toàn bộ các đối tượng (đã được quan sát và chưa hề được quan sát) vào cái túi càn khôn “Tâm Vũ Trụ” bằng một định nghĩa hiển nhiên đến bất ngờ: Tâm Vũ Trụ là miền giao của mọi đối tượng vũ trụ V - mà vũ trụ V là vô cùng theo mọi phương. Nói một cách khác: Trên đời chỉ có 7 cô gái, cả 7 cô này đều vòng tay quanh cổ anh Thọ. Lúc này cổ anh Thọ là miền giao của 7 cô gái, và đó cũng chính là Tâm Vũ Trụ. Ví von như vậy cho vui thôi, và cũng để dịu bớt đi sự cứng nhắc đến nghiêt ngã về cách trình bày trong cuốn sách, sự diễn đạt tối giản, dù là chặt chẽ, không phải lúc nào cũng có ích. Đối với máy tính, một thuật toán được thực hiện bởi một câu lệnh thì đương nhiên là tốt hơn trường hợp phải dùng nhiều câu lệnh. Song đối với con người (bạn đọc) thì lại là chuyện khác. Có một căn bệnh thông thường, các giáo sư cố gắng giải thích cho bệnh nhân một cách chính xác, khoa học, rằng đây là vấn đề chuyển hoá enzime, có liên quan đến hoóc môn tăng trưởng, rằng cần phải tiến hành xét nghiệm, phi lâm sàng hoặc cận lâm sàng, sau đó sử dụng lược đồ điều trị theo phương pháp bao vây… Dĩ nhiên là bệnh nhân khâm phục sự uyên bác của giáo sư, nhưng vấn đề là ở chỗ: không hiểu gì hết. Trở lại với “Tâm Vũ Trụ”. Nếu đây là một báo cáo khoa học, được trình bày trong một hội nghị chuyên đề thì hoàn toàn chấp nhận được. Còn nếu gọi đây là một cuốn sách khoa học thì chưa ổn. Mỗi khái niệm, mỗi ý tưởng trong công trình này là một vấn đề khổng lồ, vậy mà chú chỉ dành có vài dòng để diễn tả chúng. Dửng dưng, lạnh lùng, trần trụi, không trang điểm, không dẫn dắt… đâu phải là cách diễn đạt hay của một cuốn sách. Cụ Vichto Huygô không vội vàng lao ngay vào sự kiện chính. Cụ dẫn độc giả qua 3 chương thâm nhập vào thế giới của các chàng sinh viên, 5 chương vào thế giới của các tu sĩ bí ẩn, 7 chương vào trận đồ bát quái của thế giới cống ngầm Paris. Cứ như vậy Cụ dẫn độc giả vào tận cùng của thế giới cảm xúc. Vậy thì, chú hãy để cho các ý tưởng của “Tâm Vũ Trụ” tung hoành trong vài trăm trang giấy, may ra mới mô tả được một cách thuyết phục. Chú nói rằng, chú luôn kính trọng Enstein. Song có câu cung kính chẳng bằng phụng mệnh. Định lý 14 và 25 của chú đã không phụng mệnh Enstein, mà tôi thì rất tâm đắc với hai định lý này. Nếu đọc mạng thì chú sẽ biết: Cách đây vài tuần, trung tâm hạt nhân Genive đã công bố kết quả thí nghiệm mới nhất, đó là họ đã đo được vận tốc của hạt neutrino - vận tốc này lớn hơn vận tốc ánh sáng trong chân không. Mặc dù thí nghiệm này còn phải được lặp lại vài lần nữa, sau đó là hồi chuông báo hiệu sự sụp đổ của hệ thống lí thuyết vật lí hiện đại. Giới khoa học đang rất hoang mang, nhưng có sao đâu, không vì thế mà tôi bỗng nhiên trẻ ra và chú lập tức già đi. Các đối tượng vẫn vận động theo quy luật của chúng, không thể bắt chúng vận động theo các định luật của con người đặt ra (còn lâu các Định luật đó mới đạt tới màu xanh của cây đời). Trong công trình khoa học này, chú đã chỉ ra rằng, Tâm Vũ Trụ chứa 7 thành tố với hai miền âm và dương của mỗi thành tố. Điều này rất có đạo lí, bởi ngay thế giới vật chất cũng có phản vật chất, trong đó phản electron đã được tìm thấy từ lâu. Song với 14 thành tố đó liệu đã bao toàn bộ các đối tượng chưa? Anh nghĩ là chưa. Dứt khoát là còn một thành tố nữa, đó là: “và những thành tố khác”. Vài năm trước, có lần đang làm việc thì hết thuốc lá. Anh đưa tiền bảo thằng con ra quán cô Hậu mua cho bố bao Du lịch. Một lúc sau nó mang tiền về và bảo bố rằng quán cô Hậu không có thuốc Du lịch. Anh quát lên, rằng sao không sang quán chú Bình bên cạnh mà mua. Nó cuống lên lao ra cửa, rồi bỗng dừng lại, hỏi: Thế nếu quán chú Bình không có thì sao?Anh ngớ người ra, và lúc này mới thấy mình ngu. Đã ngu thì phải sửa, anh liền bảo nó: “Nếu quán chú Bình không có thì con đi quanh mấy quán trong xóm. Nếu mấy quán trong xóm không có… thì thôi”. Đành phải kể ra tập đầy đủ các khả năng, nếu không có nó sẽ đi khắp Hà Nội, khắp Việt Nam để tìm cho ra bao Du lịch - mà chắc gì đã tìm thấy. Khi lập trình cho máy tính (thứ máy ngu nhất trong các loại máy) cũng thường gặp những trường hợp như vậy: có muôn vàn khả năng có thể xảy ra mà ta không biết được tường tận các khả năng đó, trong khi ta chỉ quan tâm đến khả năng A và khả năng B. Lúc này ta phải dạy cho máy: Nếu gặp khả năng A thì phải quyết thế này, gặp khả năng B thì xử lí thế kia, còn nếu gặp các khả năng khác A và B thì bỏ qua. Chính cái mệnh đề sau cùng đã cho thấy người lập trình ít ngu hơn máy tính, thậm chí là thầy của máy tính. Tôi nghĩ, chú nên bổ sung thêm một thành tố nữa - thành tố phần bù của 14 thành tố đã chỉ ra, có như vậy mới thấu tình, đạt lí. Đạo Cơ đốc có một câu rất hay, nó bao toàn bộ các đối tượng trên đời (nếu hiểu kĩ): “Cha và Con và Thánh thần”. Cha và Con thì rõ rồi, có thể kể mãi về các mối quan hệ của hai đối tượng này, kể cả ngày không hết. Nhưng đến cụm từ “và Thánh Thần” thì khỏi phải kể nữa, bởi vì đó là tất cả những gì còn lại mà chưa nói đến. Cả câu đó chứa đựng tập đầy đủ các biến cố. Vậy chú đừng cứng nhắc với 14 thành tố, nếu nghĩ ra thì bổ sung tiếp, nếu thấy không cần thiết thì khoá nó lại bằng một phần bù. Chú coi Toán học như một vật mang tin, một phương tiện chuyên chở tư tưởng triết học của chú, điều đó rất hay. Song cách diễn đạt trong “Tâm Vũ Trụ” thì không hẳn như vậy. Tác giả đã coi toán học là cái gương thần để phản ánh toàn cảnh vũ trụ. Ngay cả quy luật phổ quát nhất của Vũ Trụ là tính không ngừng vận động cũng được Tác giả phát biểu dưới dạng Tiên đề. Tại sao lại là Tiên đề. Đã có ai quan sát được một đối tượng ở trạng thái Dừng chưa, vận động là muôn thuở, là chân lí tối thượng. Gọi Nó là định luật thì đã là một sự khinh suất, còn gọi Nó là Tiên đề thì quả là một sự bỡn cợt. Tôi hiểu ý chú, rằng chú muốn phát biểu một cách chặt chẽ theo khuôn mẫu và ngôn ngữ toán học. Phải, Toán học là một công cụ thông minh, chặt chẽ, mực thước. Nhưng đừng quên rằng Toán học nghiên cứu các đối tượng đã được tuyệt đối hoá trên cơ sở suy ra từ một hữu hạn các đối tượng mơ hồ. Tất cả các khái niệm đều phải được Định nghĩa một cách chặt chẽ bằng cách sử dụng các khái niệm đã được định nghĩa trước đó. Thế nhưng các khái niệm sơ cấp như điểm - đường thẳng - mặt phẳng - số 1… thì không định nghĩa (chỉ mô tả thôi)! Đặc biệt, nền móng của Toán học là những Tiên đề - đó là những mối liên hệ không bao giờ kiểm chứng được. Bởi vậy mới có tình trạng tồn tại 2-3 tiên đề khác nhau mô tả cùng một đối tượng các Tiên đề khác nhau thì đặt nền móng cho các luật chơi khác nhau. Cái khôn ngoan, uyển chuyển của Toán học là thế. Vận động là một thuộc tính của tất cả mọi đối tượng, cần gì phải phát biểu dưới dạng Tiên đề. Nếu coi thuộc tính đó như nội dung của Tiên đề thì đã hạ thấp giá trị cao cả của “Tâm Vũ Trụ”. Nhân thể anh cũng muốn dãi bày tâm sự với chú một tí. Để mô tả một hiện tượng nào đó, con người sử dụng rất nhiều công cụ (ngôn ngữ), trong đó Toán học chỉ là một. Vật lí học nhìn nhận cơn mưa Xuân theo một kiểu, hội hoạ và âm nhạc lại đánh giá nó theo một cách khác, các nhà thơ diễn đạt hiện tượng này lại theo nhiều ý tưởng khác nữa. Tất cả các công cụ đó (và những công cụ khác nữa) cũng chỉ tái tạo một phần hiện tượng khách quan, chỉ có điều càng sử dụng nhiều công cụ thì chúng ta càng tiến gần hơn đến chân lí. Đọc “Tâm Vũ Trụ”, anh liên tục tự tranh luận với chính bản thân mình. Nhưng với chú, anh chỉ tâm sự thôi. Điều anh trăn trở nhất là: “Tâm Vũ Trụ” hơi bị cực đoa, cực đoan đến mức không còn các hiện tượng vận động có thời gian. Tất cả đều thông qua Tâm Vũ Trụ với vận tốc vô hạn. Chú đã chỉ ra rằng, Tâm Vũ Trụ là miền giao của mọi đối tượng, nhất trí. Nhưng điều đó chứng tỏ là chú công nhận các đối tượng đều có phần bù của chúng. Vậy tại sao chú lại bác bỏ mối liên hệ trực tiếp giữa các phần bù với nhau? Đây là mối liên hệ phổ biến mà trong thực tiễn chúng ta luôn chứng kiến, và chỉ mới đạt đến trình độ chứng kiến được mối liên hệ này. Miền giao giữa tôi và cốc bia ở đâu thì không biết, nhưng rõ ràng là phần bù của tôi đang uống phần bù của cốc bia với thời gian vài phút. Sự tương tác này là có thật, thời gian tương tác là có thật. Ấy nên tôi cứ tự băn khoăn mãi. Nhưng không sao, anh sẽ hồi tâm, sẽ từ từ đọc lại tác phẩm của chú, có lẽ rồi sẽ ngộ ra. Thiền, phải rồi, cần phải thiền. Đây là một ý tưởng của chú mà anh rất tâm đắc. Mọi thông tin được nén lại thành một điểm cực nhỏ, não bộ thành một tập trống. Giai đoạn kết thúc là các thông tin nở ra lấp đầy các ô nhớ, nhưng các thông tin lúc này mang một sinh khí mới, một trật tự mới, khiến cho não bộ xử lý nó theo chiều hướng tỉnh táo hơn trước khi thiền. Anh nghĩ rằng một cái đầu rỗng tuếch mà thiền thì chẳng có ý nghĩa gì. Ngược lại, thiền với một cái đầu đầy ắp thông tin thì tác dụng rất lớn. Lại có một bài thơ khuyết danh mà người ta gán cho nhân vật trong bài thơ này là kẻ an phận thủ thường, mũ ni che tai. Nhưng đọc kĩ thì anh thấy không phải như vậy, đây chỉ là một cách thiền đơn giản nhất. Ngủ theo bản năng sinh lí thì không phải là thiền, sang ngủ cưỡng bức để tạm dẹp sang một bên những nỗi niềm đang ngổn ngang bừa bộn thì đó là thiền. Chú xem có phải không nhé: Tai nghe gà gáy tẻ tè te Bóng Ác vừa lên hé hẻ he Non một chồng cao von vót vót Hoa năm sắc nở loé loè loe. Chim tình bầu bạn kia kìa kỉa Ơn nghĩa vua tôi nhé nhẻ nhè Danh lợi mặc người ti tị tí Ngủ trưa chửa dậy khoẻ khoè khoe. Những âm thanh và cảnh sắc ban mai tươi đẹp, những hẹn hò, mặc cả, ganh tị nhí nhố của cuộc đời… anh chàng này biết cả, nhưng anh ta biết xua chúng ra khỏi bộ nhớ để chìm vào giấc ngủ muộn. Chắc chắn sau khi ngủ dậy, anh ta sẽ cảm nhận lại những thông tin đó một cách thấm đượm hơn. Tôi không thiền được theo những cách cao siêu, nhưng thiền kiểu đó thì làm được. Muốn viết nữa cho chú nhưng tư duy đã bắt đầu tản mạn. Nói chuyện với khách, nghe điện thoại, tưới cây, tắt bếp để nồi canh khỏi trào và trăm thứ lặt vặt khác luôn ngắt dòng suy nghĩ. Hồi còn trẻ, anh vớ được một cuốn sách gồm các bức thư mẫu với nhiều thể loại khác nhau. Muốn gửi thư cho ai đó về một lĩnh vực nào đó thì chọn bức thư mẫu tương ứng mà chép sang. Nhờ vậy mà tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và đặc biệt là che dấu sự kém cỏi của mình về môn văn. Trước khi viết bức thư này cho chú, anh cũng lục tìm xem có bản mẫu nào dùng được không, nhưng không có, đành tự nghĩ ra vậy. Tuy nhiên, anh vẫn còn nhớ một đoạn mẫu khi kết thúc bức thư (phần kết thúc không dễ đâu), anh mượn nó để khoá bức thư này lại: {* Viết đến đây thì mực đã cạn, bút đã mòn mà lòng anh vẫn tràn trề lai láng. Anh đành nhờ gió chuyển đến em lời thầm thì: “Anh yêu em!”*}. Chúc chú vạn sự may mắn. Chúc “Tâm Vũ Trụ” tiếp tục được hoàn thiện và sớm ra mắt bạn đọc. Chào thân ái! Hà Nội ngày 17 tháng 12 năm 2011 Phạm Công Hà
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Với lối viết thư thế này thì may ra "dân toán" mới hiểu được chút ít vì có cùng một...ngôn ngữ hai Bác ạ.
Trả lờiXóaThú thật với Bác Thọ, cũng là dân toán (K21-ĐHTHHN) nhưng đọc thuyết "Tâm vũ trụ" của bác, em chịu ko hiểu nổi, khi nào có dịp xin phiền được gặp bác trực tiếp chỉ giáo.
@vechai0:Rất mong được đàm đạo với chú
Trả lờiXóa