TÂM THẾ
Tự do tuyệt đối tìm chân lý
Mẹ Việt Nam luôn ở trong tim
Hướng Tâm Vũ Trụ đi tìm
Trong sóng ý thức niềm tin vĩnh hằng
LỜI GIỚI THIỆU
Quyển Tâm Vũ Trụ là một thành quả của hơn 10 năm lao động với một khát vọng cháy bỏng muốn Việt Nam có một triết học của riêng mình được viết thành văn của TS. Đỗ Xuân Thọ. Đây là một khát vọng rất đáng trân trọng.
Về mặt nhận thức luận thì vũ trụ quan là một sự khởi đầu vô cùng quan trọng của một học thuyết triết học. Tác phẩm Tâm Vũ Trụ là tác phẩm bàn sâu về vũ trụ quan của tác giả.
Bản nguyên của vũ trụ là một chủ đề đã được bàn tới trong các tác phẩm triết học từ thời cổ xưa cho đến bây giờ. Chủ đề này cho đến nay vẫn còn được tranh luận sôi nổi không chỉ trong triết học, tôn giáo, vật lý mà còn ngay cả trong đời sống tinh thần của mỗi người. Tác phẩm Tâm Vũ Trụ của tác giả có thể xem như vũ trụ quan của một người con của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Bằng phương pháp tiên đề và lý thuyết tập hợp, những công cụ chính xác của toán học, tác giả đã xây dựng một cách thuyết phục những luận điểm rất mới mẻ và táo bạo về vũ trụ quan trong triết học. Ví dụ khái niệm” tâm vũ trụ”; tốc độ của tư duy nhanh hơn tốc độ ánh sáng hàng tỷ lần; quan niệm về truyền thông tin và năng luợng một cách tức thời từ tâm vũ trụ đến mọi đối tượng trong vũ trụ v.v…
Một khối lượng thông tin khá lớn được truyền tải cô đọng trong 30 trang sách khiến cho nó hơi khó đọc. Tuy nhiên phần phụ lục sẽ làm cho độc giả thích thú hơn.
Những phần quan trọng nhất của tác phẩm đã được công bố trên tạp chí Triết học nên độ tin cậy của tác phẩm đã được thẩm định.
Rất hân hạnh được giới thiệu tác phẩm này, một vũ trụ quan của người Việt được viết thành văn lần đầu tiên ở Việt Nam với bạn đọc
Vũ Thị Hiên
LỜI NÓI ĐẦU
Triết học với tư cách là một khoa học nghiên cứu những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy do đó đối với mỗi cá nhân, triết học là triết lý sống, là khởi nguồn của đạo đức, là khởi nguồn của niềm tin và là khởi nguồn của ý chí.
Một dòng họ được xem là phát triển nếu gia phong của dòng họ đó là phát triển. Mà gia phong lại được xây dựng từ triết học mà dòng họ đó tin tưởng.
Đối với một dân tộc, triết học sinh ra các phương thức để xây dựng nhà nước, quân đội, pháp luật v.v... Một dân tộc mạnh hay yếu trước hết phải đánh giá bằng thứ triết học của chính dân tộc mình.
Ngay cả khi phải tiếp thu một triết học từ bên ngoài để làm triết học thống trị cả dân tộc thì bản thân dân tộc đó cũng phải có một triết học của riêng mình để với tư thế của người có chính kiến mời khách vào đàm đạo.
Triết học của một dân tộc đẻ ra bản sắc của dân tộc đó. Triết học của một dòng họ sinh ra gia phong, nề nếp của dòng họ đó. Triết học của một cá nhân sinh ra niềm tin, tình yêu, đạo đức và ý chí của cá nhân đó.
Dân tộc Việt Nam suốt 4000 năm lịch sử vẫn chưa có một triết học được viết thành văn mặc dù triết học của người Việt đã có từ thời các vua Hùng. Điều này khiến tác giả, một người con của đất Việt, quyết tâm xây dựng một triết học cho chính dòng họ mình, cho chính dân tộc mình.
Sau 10 năm nghiền ngẫm tác giả đã xây dựng xong triết học Tâm Vũ trụ. Trong thời gian đó tác giả ngắt hết thông tin về triết học để không bị chi phối bởi bất kỳ tư tưởng nào.
Tác giả quyết định hiến dâng cho dòng họ Đỗ, dòng họ Phạm và dân tộc Việt Nam triết học Tâm Vũ trụ của mình. Mong rằng những người con của đất Việt bổ sung vào cho đầy đủ và hoàn chỉnh để cho dân tộc ta có một triết học của riêng mình.
Trong quyển sách mỏng này, công cụ mà tác giả dùng để diễn đạt là Toán học và Triết học. Xin nhấn mạnh là tác giả chỉ mượn phương pháp tiên đề và lý thuyết tập hợp của toán học như một xúc tác, như một sự gợi mở cho những ý tưởng sâu xa về triết học của bạn đọc chứ không dùng nó một cách khiên cưỡng, máy móc. Để đọc quyển sách này, bạn đọc không cần phải chuẩn bị bất kỳ kiến thức nào khác ngoài một tư duy vững vàng về toán học và một chút hiểu biết về lý thuyết tập hợp.
Với lòng biết ơn chân thành những ý kiến góp ý của bạn đọc, chúng tôi đã tiếp thu và sửa chữa rất nhiều nhưng chắc chắn vẫn còn thiếu sót. Mọi ý kiến của các bạn xin gửi đến địa chỉ email:
Email : tsdoxuantho@gmail.com
Hà nội, 16-8-2004
ĐỖ XUÂN THỌ
CHƯƠNG 1
Trong thời đại hiện nay, sự đan xen giữa các khoa học là một hiện tượng phổ biến. Chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của nhiều ngành khoa học và các công trình khoa học mới mà chỉ cái tên của nó cũng đủ nói lên điều đó. Ví dụ: Lý-Sinh, Hoá Sinh, Cơ - Tin, Triết học của Toán học, Đạo của Vật lý v.v... Chính tại những miền giao khác trống của những ngành khoa học đó đã nẩy sinh những vấn đề mới, những ý tưởng mới.
Triết học và Toán học cũng không nằm ngoài trào lưu đó. Trong chương này và các chương sau chúng tôi trình bầy khái niệm Vũ trụ và Tâm Vũ trụ bằng Toán học và Triết học.
Chương 1 là chương rất quan trọng vì nó là cơ sở cho những chương sau. Chương 1 gồm ba phần: Vũ trụ, Tâm Vũ trụ và Kết luận. Chương này đã được công bố trên tạp chí Triết học tháng 1 năm 2003. Phần Tâm Vũ trụ là phần trọng tâm của chương 1.
1. VŨ TRỤ
Trước khi đưa ra những tiên đề, định lý, và hệ quả về Vũ trụ chúng ta phải xây dựng được các khái niệm cơ bản. Các khái niệm này như là vật mang tin. Nó giống như chữ viết và ký hiệu để diễn đạt một ngôn ngữ. Tuy nhiên, nội dung thông tin chứa trong chúng là vô hạn, đến mức mà cùng với sự phát triển của lý thuyết chính những khái niệm cơ bản này cũng thay đổi. Mặc dù vậy, vận tốc của sự thay đổi này là nhỏ hơn nhiều lần sự thay đổi của các tiên đề, các định lý. Nói một cách khác, chúng “ổn định” hơn các tiên đề, định lý và chúng ta có thể “cứng hoá” các khái niệm đó.
Ta sẽ bắt đầu bằng khái niệm Đối tượng. Đối tượng dùng để chỉ mọi thứ: bát cơm, manh áo, con người, trái đất, hệ mặt trời, thiên hà, ý nghĩ, học thuyết, xã hội, một chính thể v.v... Khái niệm Đối tượng có tác dụng tạo ra một sự khu biệt trong tư duy khi ta xét đến một vật, một thực thể, một khái niệm, một hệ thống v.v... nào đó.
Tiếp theo là khái niệm Tập hợp. Đầu tiên ta tạm hiểu nó như khái niệm tập hợp của Toán học nhưng luôn nhớ rằng ý nghĩa của nó sâu sắc hơn nhiều. Tập hợp các học sinh trong lớp 9A, tập hợp các nhà triết học trên Trái đất, v.v... là các ví dụ về tập hợp. Chúng ta luôn nhớ rằng đối tượng không phải là tập hợp
Các thuật ngữ thuộc, các toán tử giao, hợp, phần bù v.v... trước hết hãy tạm hiểu như trong lý thuyết tập hợp và luôn nhớ nó có ý nghĩa sâu sắc hơn.
Khái niệm Vô cùng dùng để chỉ sự vô biên, vô tận, không bờ bến, không bị hạn chế v.v...
Duy nhất là khái niệm chỉ sự: chỉ có một không có hai.
Tiếp theo là khái niệm Vận động. Vận động có thể hiểu như sự đổi chỗ trong không gian và thời gian, sự thay đổi trong các phản ứng hoá học, sự phát triển hoặc suy thoái của một quốc gia, một học thuyết hoặc một chính thể. Nó chỉ sự sinh trưởng hoặc chết đi của một sinh vật, sự thay đổi trong tư duy của một con người v.v...
Cùng với sự vận động còn có khái niệm Vận tốc, Gia tốc v.v...
Vận tốc trước hết hãy hiểu như là đạo hàm bậc nhất và Gia tốc như đạo hàm bậc hai của “quãng đường” theo “thời gian”. Ở đây “quãng đường” và “thời gian” không nên hiểu đơn thuần là độ dài và thời gian vật lý mà nó có ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều.
Mối liên hệ dùng để chỉ sự ràng buộc, liên hệ, hàm, ánh xạ, toán tử, quan hệ v.v...
Như vậy ta đã trình bầy một số khái niệm cơ bản. Nội dung thông tin chứa trong các khái niệm cơ bản là vô hạn, bởi thế không nên hy vọng có thể hiểu được ngay tức thì. Ý nghĩa của chúng sẽ hiện dần ra cùng lý thuyết.
Ta sẽ bắt đầu bằng việc đưa ra quan niệm của chúng ta về Vũ trụ.
Định nghĩa 1 :
Vũ trụ là hợp của mọi đối tượng
Định nghĩa 1 nói lên quan niệm của chúng ta về Vũ trụ. Vì như đã nói ở trên, đối tượng không phải là tập hợp (Sau này chúng ta sẽ thấy không có đối trượng trống ) nên định nghĩa này không phạm vào nghịch lý Rát-xen : « Không có tập hợp của mọi tập hợp ».
Như sau này chúng ta sẽ thấy, các đối tượng trong Vũ trụ không phải chỉ là những đối tượng rời rạc nằm cạnh nhau mà giữa chúng có những mối liên hệ chằng chịt và chính những mối liên hệ này đã liên kết các đối tượng khác nhau, thậm chí tưởng chừng đối nghich nhau trong Vũ trụ để tạo nên một Vũ trụ hiện tồn.
Cũng theo định nghĩa 1, ta thấy Vũ trụ của thiên văn học chỉ là một phần của Vũ trụ vừa được định nghĩa. Vũ trụ của thiên văn học không chứa một làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh chẳng hạn…
Tiếp theo ta sẽ thừa nhận hai tiên đề mà hầu như mọi triết học đều công nhận
Tiên đề 1
Vũ trụ là vô cùng.
Tiên đề này khẳng định Vũ trụ là vô cùng vô tận, không có biên giới. Đi theo bất cứ chiều nào, xét bất cứ lát cắt nào của Vũ trụ cũng đều vô cùng vô tận. Vũ trụ không có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc.
Tiên đề 2
Mọi đối tượng trong Vũ trụ đều luôn luôn vận động.
Tiên đề này cho ta thấy vận động là thuộc tính của mọi đối tượng. Mọi đối tượng trong Vũ trụ đêu vận động theo vô vàn các phương thức khác nhau.
Đến đây ta đưa ra một định lý rất quan trọng.
Định lý 1
Vũ trụ là duy nhất
Chứng minh: Giả sử V1và V2 là hai Vũ trụ khác nhau. Khi đó ta lấy V= V1 U V2 . Rõ ràng V là Vũ trụ. Cứ như thế , mỗi lần thấy một đối tượng nào nằm ngoài Vũ trụ của chúng ta thì ta dùng phép hợp để tạo nên Vũ trụ duy nhất => đ.p.c.m
Định lý 1 khẳng định Vũ trụ của chúng ta là duy nhất, không có Vũ trụ thứ hai. Điều này phù hợp với nhận thức của chúng ta .Đầu tiên khi còn nằm trong bụng mẹ, Vũ trụ của chúng ta là hợp của những cơ quan nội tạng chứa dòng máu của mẹ, những sóng ý thức mà mẹ truyền đến chúng ta v.v... Khi cất tiếng khóc chào đời, một sự nhẩy vọt, chúng ta lại dùng phép hợp một lần nữa để tạo nên một Vũ trụ mới bởi bây giờ đã có thêm những đối tượng mới: ông, bà, bố, anh, em, mái nhà, vành nôi, những lời ru vời vợi, bầu trời, các vì sao, v.v... Cứ như thế, nếu thấy bất kỳ một đối tượng nào nằm ngoài Vũ trụ của chúng ta thì ta lại dùng phép hợp để có một Vũ trụ duy nhất.
Định lý 2
Giữa hai đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ bao giờ cũng tồn tại ít nhất một mối liên hệ
Chứng minh: Giả sử A và B là hai đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ. Khi đó mối liên hệ “A và B cùng vận động” hiển nhiên là một trong các mối liên hệ giữa A và B => đ.p.c.m
Định lý này thật ra là nguyên lý về mối liên hệ phổ biến mà Hêghen đã đề cập nhưng chưa được chứng minh chặt chẽ. Nó được Hêghen xem như một tiên đề.
Từ nay, khi nói đến một đối tượng ta phải hiểu nó cùng với tập hợp các mối liên hệ của nó với các đối tượng khác. Đôi khi để nhấn mạnh ta sẽ gọi là đối tượng đầy đủ.
Như đã nói ở trên, các đối tượng trong Vũ trụ liên kết với nhau vô cùng chặt chẽ bởi các mối liên hệ. Các mối liên hệ này có được là nhờ các đối tượng trong Vũ trụ nhưng chính chúng lại làm cho Vũ trụ này là duy nhất. Hơn thế nữa chính chúng lại là các Đối tượng và bởi thế nó luôn luôn vận động và phát triển.
Vũ trụ của chúng ta thật vô cùng vô tận mà sống động. Đó là Vũ trụ duy nhất, không có Vũ trụ thứ hai.
2. TÂM VŨ TRỤ
Đến đây ta sẽ đưa vào một khái niệm mới – Tâm Vũ trụ. Khái niệm này được trình bày một cách ngắn gọn nhất nên nó là một khái niệm hết sức trừu tượng nhưng lại là khái niệm trung tâm của chương này. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng một định nghĩa ngắn gọn:
Định nghĩa 2
Tâm Vũ trụ là miền giao của mọi đối tượng
Định nghĩa này cho ta thấy Tâm Vũ trụ là cái chung nhất của tất cả các đối tượng trong Vũ trụ. Nó là “Thuộc tính” có trong mọi đối tượng.
Ngay sau đây ta sẽ chứng minh hai định lý mang tính nhận thức luận.
Định lý 3
Tâm Vũ trụ là tồn tại
Chứng minh: Ta phải chứng minh miền giao của mọi đối tượng trong Vũ trụ là khác trống. Thật vậy vì tính vận động là có trong mọi đối tượng như tiên đề 2 đã khẳng định mà tính vận động đến lượt nó lại là một đối tượng trong Vũ trụ nên giao của mọi đối tượng trong Vũ trụ là khác trống => đ.p.c.m.
Để ý rằng vận động chỉ là một trong các thành tố tạo nên Tâm Vũ trụ. Vận động chỉ là một biểu hiện của Tâm Vũ trụ. Hay nói cách khác, chính vì các đối tượng luôn vận động mà chúng ta cảm nhận thấy sự tồn tại của Tâm Vũ trụ. Ngoài vận động, Tâm Vũ trụ có thể còn những thành tố khác.
Định lý 4
Tâm Vũ trụ là duy nhất
Chứng minh: Giả sử v1 và v2 đều là tâm Vũ trụ. Ta phải chứng minh v1 trùng với v2. Thật vậy vì v1 là Tâm Vũ trụ và v2 là một đối tương nên v1 C v2 (v1 được chứa trong v2) (1). Vì v2 là Tâm Vũ trụ và v1 là một đối tượng nên v2 C v1 (v2 được chứa trong v1) (2)
Từ (1) và (2) suy ra v1 º v2 => đ.p.c.m
Như vậy chúng ta đã định nghĩa Tâm Vũ trụ và chứng minh hai định lý hết sức quan trọng khẳng định Tâm Vũ trụ là tồn tại và duy nhất. Tuy nhiên, cách chứng minh của hai định lý trên mới chỉ chỉ ra một cách định tính sự tồn tại và duy nhất cuả Tâm Vũ trụ.
Ngay tại đây chúng ta sẽ đưa ra một hệ quả trực tiếp từ định nghĩa Tâm Vũ trụ:
Định lý 5
Tâm Vũ trụ có trong mọi đối tượng
Chứng minh: Tâm Vũ trụ là miền giao của mọi đối tượng và Tâm Vũ trụ tồn tại duy nhất. Theo định nghĩa phép giao trong lý thuyết Tập hợp suy ra nó có trong mọi đối tượng trong Vũ trụ. (đ.p.c.m.)
Thực ra, đã từ lâu loài người đã cảm nhận được sự tồn tại của Tâm Vũ trụ và gọi nó với các cái tên khác nhau như: Thuộc tính, Bản chất, Tạo hoá, Chân lý Tối thượng, Tự nhiên, Trời, Thượng đế v.v... Nhưng có thể nói khái niệm Tâm Vũ trụ ở đây rành mạch, sâu sắc và tổng quát hơn nhiều những khái niệm kể trên.
Tâm Vũ trụ huyền ảo vô cùng. Nó có trong mội đối tượng nhưng hiểu được nó là vô cùng khó khăn, Nó là thuộc tính, nó là bản chất chung nhất của mọi đối tượng. Nó chứa các quy luật tự nhiên phổ quát nhất. Nó là chân lý Tối thượng của mọi chân lý Tối thượng. Nó là siêu hạt cơ bản của mọi hạt cơ bản tạo nên mọi vật.
Định lý 6
Mọi đối tượng trong Vũ trụ không tự nhiên mất đi một cách vĩnh viễn mà chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác.
Chứng minh:
Giả sử rằng A là một đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ. Khi đó theo định nghĩa Tâm Vũ trụ suy ra A chứa Tâm Vũ trụ. Nếu A bị mất đi vĩnh viễn suy ra Tâm Vũ trụ sẽ bị mất đi vĩnh viễn. Điều này trái với hai định lý về sự tồn tại và duy nhất của Tâm Vũ trụ. Suy ra đ.p.c.m.
Đối với những đối tượng hữu hình thì định lý trên là một điều dễ hiểu. Nhưng đối với những đối tượng vô hình như truyền thống dân tộc, một nền văn hoá, một học thuyết v.v…thì việc nhận thức được như vậy không phải luôn luôn dễ ràng.
Nếu ta xem các hệ thống triết học hoặc các tôn giáo chỉ là những đối tượng thì một hệ quả nữa có thể được rút ngay ra từ định lý Tâm vũ trụ là duy nhất là:
Định lý 7
Đối với mọi triết học chỉ có một chân lý tối thượng.
Đối với mọi tôn giáo chỉ có một Thượng Đế.
Các khuynh hướng tư tưởng có thể khác nhau, thậm trí tưởng chừng đối lập nhau một mất một còn nhưng chúng vẫn có một miền giao khác trống (ví dụ Tâm Vũ trụ), bởi vậy xu thế đối thoại thay thế cho sự đối đầu, loại trừ nhau đang trở thành xu thế của thời đại.
Ta có thể hình dung ra một sự hợp nhất vĩ đại trong tương lai - Sự thống nhất các triết học và sự hợp nhất các tôn giáo trên phạm vi toàn cầu và toàn Vũ trụ.
3. KẾT LUẬN CỦA CHƯƠNG 1
Vũ trụ là vô cùng vô tận nhưng duy nhất, không có Vũ trụ thứ hai. Các đối tựợng trong Vũ trụ không ngừng vận động. Tâm vũ trụ là miền giao của mọi đối tượng nên nó có trong mọi đối tượng. Nó tồn tại và duy nhất. Tâm Vũ trụ là khái niệm mạnh hơn khái niệm chân lý tuyệt đối, siêu hạt cơ bản v.v... Nó huyền ảo, lung linh. Nó có mặt ở khắp nơi nhưng không thể thấy được và không thể nắm bắt được. Nó là chân lý Tuyệt đối của mọi chân lý tuyệt đối. Nó là Siêu hạt cơ bản có trong mọi hạt cơ bản để tạo nên mọi vật. Tâm Vũ trụ chứa toàn bộ sức mạnh của Vũ trụ.
Những cái đầu mạnh nhất của loài người chỉ có thể hiểu được những vùng lân cận của Tâm Vũ trụ, Hiểu được Tâm vũ trụ là hiểu được cả Vũ trụ.
Nếu xem mỗi con người, mỗi vật là các đối tượng thì Tâm vũ trụ không ở đâu xa mà ở trong chính lòng ta, ở chính trong tâm trí ta, ở chính trong các vật giản dị nhất.
Không có đối tượng nào mất đi một cách vĩnh viễn mà nó chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác, kể cả những đối tượng hữu hình hoặc vô hình.
Tâm vũ trụ tồn tại và duy nhất càng khẳng định Vũ trụ này là thống nhất mặc dù các đối tượng thuộc Vũ trụ là cực kỳ phong phú muôn hình vạn trạng. Trước khi hiểu được Tâm Vũ trụ, những khuynh hướng tư tưởng của loài người nằm ở lân cận Tâm Vũ trụ bởi thế chúng là những cánh hoa cùng chung một nhụy và vô cùng đa dạng.
Vũ trụ của chúng ta đa dạng mà thống nhất, thống nhất trong sự đa dạng.
Cuối cùng chúng tôi xin có một vài lời trước khi kết thúc chương 1.
Thực ra có một sự tiếp cận khác đối với Vũ trụ và Tâm Vũ trụ. Cách tiếp cận đó là đầu tiên ta xây dựng các Vũ trụ sau đó hợp chúng lại để có Vũ trụ duy nhất. Tương tự, ta cũng xây dựng các Tâm Vũ trụ sau đó dùng phép giao để có một Tâm Vũ trụ duy nhất.
Cách tiếp cận này dễ được chấp nhận vì nó đi theo một mạch tư duy thông thường của loài người nhưng tiếc thay số trang viết sẽ lên đến hàng trăm trang.
Cách tiếp cận như vừa trình bầy là một cách tiếp cận cô đọng và có tính khái quát cao tuy nhiên mới đọc ta cảm thấy hơi khiên cưỡng. Rất mong bạn đọc thông cảm.
CHƯƠNG 2
TÂM VŨ TRỤ VÀ THÔNG TIN
Trong chương 1 đã đưa ra định nghĩa Tâm Vũ trụ đồng thời chứng minh một số định lý và hệ quả liên quan tới Tâm Vũ trụ. Hai định lý khẳng định Tâm Vũ trụ là tồn tại và duy nhất đã được chứng minh. Tuy nhiên các chứng minh này mới chỉ dừng lại ở việc chỉ ra một cách định tính sự tồn tại và duy nhất của Tâm Vũ trụ. Ngoài vận động ra, Tâm Vũ trụ còn có thành tố nào nữa không?
Trong chương này, chúng tôi sẽ trình bầy định nghĩa về thông tin đồng thời chứng minh thông tin là một thành tố nưã tạo nên Tâm Vũ trụ sau đó đưa ra một số định lý, hệ quả và kết luận liên quan.
Công cụ để diễn đạt trong chương 1 là lý thuyết Tập hợp và phương pháp tiên đề. Tuy nhiên cần nhấn mạnh là trong chương 1 chỉ mượn một cách tạm thời công cụ trên để làm công cụ diễn đạt. Ý nghĩa triết học nằm đằng sau những suy luận tựa Toán học đó sâu sắc hơn nhiều. Trong chương này chúng tôi vẫn sử dụng công cụ trên và tạm gọi là công cụ Tựa Toán học.
Bây giờ chúng ta sẽ đi vào nội dung của chương này. Trước hết ta sẽ đưa ra khái niệm thông tin.
1. THÔNG TIN
Trong Tin học định nghĩa: “Mọi yếu tố đem lại sự hiểu biết đều được gọi là thông tin”. Nhưng định nghĩa này mới nói đến sự hiểu biết của con người nên chưa tổng quát. Một số nhà triết học mô tả khái niệm thông tin như sau: Mọi vật trong thế giới tự nhiên đều có thuộc tính phản ánh khi bị tác động bởi một vật khác. Quá trình này được gọi là quá trình nhận thông tin, xử lý thông tin và đưa ra kết quả của sự xử lý.
Để thống nhất, chúng tôi đưa ra định nghĩa về khái niệm cơ bản này như sau và sẽ dùng nó trong toàn bộ tác phẩm:
Định nghĩa 3:
Giả sử A và B là hai đối tượng bất kỳ trong Vũ Trụ, ta gọi tập hợp tất cả những mối liên hệ giữa A và B là thông tin giữa A và B. A được gọi là nội dung thông tin của A trong B và ngược lại B được gọi là nội dung thông tin của B trong A. Bản thân tập hợp các mối liên hệ giữa A và B, đôi khi để nhấn mạnh ta gọi là vật mang tin.
Như vậy thông tin bao gồm nội dung thông tin và vật mang tin. Định nghĩa trên đảm bảo độ khái quát cao của khái niệm thông tin.
Bây giờ ta sẽ bàn đến Tâm Vũ trụ và thông tin.
2. TÂM VŨ TRỤ VÀ THÔNG TIN
Trước hết ta chứng minh một định lý vô cùng quan trọng khẳng định thông tin như một thành tố nữa ngoài vận động có ở Tâm vũ trụ.
Định lý 8 :
Tâm vũ trụ chứa thông tin.
Chứng minh: Theo định lý về mối liên hệ phổ biến trong chương 1 khẳng định với hai đối tượng bất kỳ trong vũ trụ bao giờ cũng tồn tại ít nhất một mối liên hệ. Theo định nghĩa 3 vừa nêu trên suy ra giữa hai đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ bao giờ cũng có thông tin về nhau. Suy ra thông tin là thuộc tính của mọi đối tượng trong Vũ trụ và do đó, theo định nghĩa Tâm vũ trụ trong chương 1 suy ra Tâm vũ trụ chứa thông tin (đ.p.c.m).
Định lý 8 vừa nêu đã cho ta thấy có thêm một thành tố nữa ngoài tính vận động ở Tâm vũ trụ: đó là thông tin.
Ở đây cần nhấn mạnh là vì nhận thức của chúng ta mới chỉ ở lân cận Ue của Tâm vũ trụ nên chưa hiểu một cách chính xác về Tâm vũ trụ vì thế mới sinh ra việc phát hiện thành tố này thành tố kia tạo nên Tâm vũ trụ chứ thực chất, nếu suy cho cùng các thành tố đó (vận động và thông tin) chỉ là một. Điều này được suy ra từ định lý Tâm vũ trụ là duy nhất. Tuy nhiên xem xét Tâm vũ trụ từ nhiều phía sẽ cho ta một hình ảnh rõ hơn về Tâm vũ trụ. Chúng ta sẽ thu hẹp dần lân cận Ue của Tâm vũ trụ trong chúng ta càng nhiều càng tốt.
Đến đây ta đưa ra một định lý thứ hai:
Định lý 9:
Thông tin giữa hai đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ bao giờ cũng phải thông qua Tâm vũ trụ.
Chứng minh: Giả sử A và B là hai đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ và f là một mối liên hệ bất kỳ nào đó giữa A và B. Theo định nghĩa 2 suy ra f là một thông tin giữa A và B. Nhưng đến lượt mình, f lại là một đối tượng trong Vũ trụ. Theo định lý 5 trong chương 1 suy ra f phải chứa Tâm vũ trụ. Hay nói cách khác f phải thông qua Tâm vũ trụ. Suy ra điều phải chứng minh (đ.p.c.m).
Định lý 9 rất quan trọng bới nó cho ta một định lý trực tiếp:
Định lý 10:
Tâm vũ trụ chứa toàn bộ thông tin của mọi đối tượng trong Vũ trụ
Chứng minh: Giả sử A là một đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ có một phần F(A) các thông tin không có ở Tâm Vũ trụ. Từ điều này suy ra tồn tại thông tin f của F(A) không thông qua Tâm Vũ trụ. Điều này trái với định lý 9 suy ra đ.p.c.m.
Định lý 10, một lần nữa khẳng định nếu hiểu được Tâm vũ trụ thì ta có thể hiểu được toàn bộ Vũ trụ. Ta có thể ví một cách thô thiển Tâm Vũ trụ như là một chiếc máy tính chủ chứa toàn bộ thông tin của mọi đối tượng trong Vũ trụ. Các đối tượng trong Vũ trụ muốn “liên lạc” với nhau đều phải thông qua chiếc máy chủ Vĩ đại này.
Tiếp đến, ta sẽ phát biểu và chứng minh một định lý quan trọng nữa:
Định lý 11:
Vận tốc của ánh sáng
c gần bằng 300.000 km/s
không phải là giới hạn vận tốc của các thông tin trong Vũ trụ
Chứng minh: Ta sẽ chứng minh bằng cách chỉ ra một phản ví dụ. Giả sử a là một hành tinh cách chúng ta 1.000.000 năm ánh sáng. Bây giờ ta sẽ nhắm mắt lại và tưởng tượng đang ở trên hành tinh đó. Một, hai, ba! Bắt đầu!
Chỉ trong không đầy một giây tư duy của chúng ta đã có mặt trên hành tinh a đó.
Ở đây, giữa ta (đối tượng A) và hành tinh a (đối tượng B) đã có mối liên hệ là sự tưởng tượng f của A đến B. Theo định nghĩa về thông tin thì f chính là thông tin giữa A và B. Và như đã thấy ở trên vận tốc của f lớn hơn hàng triệu triệu lần so với vận tốc ánh sáng suy ra điều phải chứng minh.
Định lý 11 cho ta thấy tiên đề Einstein không còn đúng trong Vũ trụ của chúng ta nữa. Cách chứng minh định lý 11 chưa hẳn làm bạn đọc hài lòng nhưng vì chưa đủ hành trang nên chưa thể đưa ra một cách chứng minh đẹp đẽ hơn. Sau này ta sẽ quay lại chứng minh lại định lý này một cách “nội tại” hơn.
Bây giờ chúng ta đưa ra một định lý cực kỳ quan trọng liên quan tới vận tốc truyền thông tin của Tâm Vũ trụ. Trước khi phát biểu và chứng minh định lý chúng tôi xin được nói qua về hệ quy chiếu. Đây là một khái niệm mà để đi sâu vào sẽ phải tốn rất nhiều giấy mực nên trước hết chúng ta hãy tạm hiểu như khái niệm hệ quy chiếu trong Vật lý hoặc Toán học. Chúng ta đã biết tới hệ quy chiếu Không_Thời gian trong vật lý hoặc không gian n chiều, thậm chí vô hạn chiều của toán học v.v... Hệ quy chiếu dùng ở đây gần giống với các khái niệm trên.
Định lý 12:
Tâm vũ trụ truyền thông tin đến mọi đối tượng trong Vũ trụ là tức thời trong mọi hệ quy chiếu.
Chứng minh: Ta chứng minh bằng phản chứng. Giả sử tồn tại một đối tượng A trong Vũ trụ và trong một hệ quy chiếu nào đó nhận thông tin từ Tâm vũ trụ đến mình là không tức thời. Suy ra tại một thời điểm t0 nào đó giữa A và Tâm vũ trụ không có một mối liên hệ nào. Vì Tâm Vũ trụ cũng là một đối tượng nên điều này trái với định lý về mối liên hệ phổ biến trong chương 1 suy ra (đ.p.c.m).
Định lý 12 cho ta khả năng giải thích một điều rất khó hiểu trong Định lý 5 của chương 1: “Tâm vũ trụ có trong mọi đối tượng”.
Tại sao có vô vàn các đối tượng trong Vũ trụ mà đối tượng nào cũng chứa Tâm vũ trụ trong khi Tâm vũ trụ là duy nhất? Thì ra các đối tượng trong Vũ trụ chỉ chứa nội dung thông tin của Tâm vũ trụ trong nó hay nói cách khác, các đối tượng trong Vũ trụ chỉ chứa “ảnh” của Tâm vũ trụ. Vì việc truyền thông tin từ Tâm vũ trụ đến các đối tượng là tức thời nên sự phân biệt Tâm vũ trụ và ảnh của Tâm vũ trụ là cực kỳ khó khăn. Đôi khi ta cảm thấy chúng chỉ là một. Thậm chí, việc tách chúng làm hai, cho dù trong tư duy cũng là khiên cưỡng. Chính vì điều này mà định lý 5 trong chương 1 không hề mâu thuẫn.
Thông tin giữa Tâm vũ trụ và một đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ không chỉ diễn ra theo một chiều từ Tâm vũ trụ đến đối tượng đó mà còn có thông tin ngược từ đối tượng đó đến Tâm vũ trụ. Sự thông tin giữa hai đối tượng bất kỳ đều phải đi qua “Máy Chủ” vĩ đại- Tâm vũ trụ.
3.KẾT LUẬN CỦA CHƯƠNG 2
· Như vậy, ngoài vận động, Tâm vũ trụ còn chứa một thành tố nữa đó là thông tin. Tuy nhiên thông tin và vận động thực chất là một. Thông tin là một dạng của vận động và ngược lại vận động chỉ là một biểu hiện của thông tin. Hai khái niệm này suy cho tới cùng chúng như là tách ra mà lại dường như là một. Lung linh huyền ảo vô cùng.
· Với việc chứng minh có những thông tin vượt vận tốc ánh sáng hàng triệu triệu lần, ta có thể thấy hàng ngày, hàng giờ, hàng giây, hàng micro giây v.v... chúng ta, những người trên Trái đất vẫn nhận được thông tin từ vô vàn các nền văn minh ngoài Trái đất đến Trái đất, đến chúng ta thông qua Tâm Vũ trụ. Vì có các nền văn minh yếu hơn Trái đất và có những nền văn minh mạnh hơn Trái đất nên trong mỗi con người đều có cái ác và cái thiện, có đê hèn và cao thượng, có ngu xuẩn và thông minh, có hận thù và tình yêu v.v... Để vươn tới cái thiện, cái tốt, cái hoàn mỹ v.v... thì ta phải luôn hướng tới Tâm Vũ trụ tức là sống, hành động và tư duy phù hợp với những quy luật phổ quát nhất của Vũ trụ.
· Để thu nhận được những “sóng ý thức” vừa nêu trên chúng ta không thể dùng những thiết bị được chế tạo chỉ từ các “vật liệu” hữu hình.
· Thông tin từ một đối tượng bất kỳ đến chúng ta đều phải thông qua Tâm Vũ trụ. Điều này cho ta một nhận thức luận quan trong là: nếu nghiên cứu kỹ càng, cùng kiệt một đối tượng bất kỳ, cho dù đối tượng đó tầm thường đến mức nào ta cũng tìm thấy chân lý vĩ đại thậm chí là chân lý tối thượng.
· Gần đây có những luận thuyết cho là mọi đối tượng trong Vũ trụ đã được lập trình sẵn bới một đấng Tối cao nào đó và rằng mọi đối tượng, đặc biệt là con người là đã “an bài ” và không tránh khỏi “số mệnh”. Điều này mới chỉ đúng một nửa. Như trên đã nói thông tin giữa Tâm vũ trụ và một đối tượng bất kỳ là một thông tin hai chiều. Đến một lúc nào đó, khi chúng ta hiểu sâu sắc hơn về Tâm vũ trụ thì rất có thể có những “hacker” truy nhập vào “chiếc máy chủ vĩ đại” –Tâm vũ trụ để chỉnh lại một đoạn mã nào đó làm thay đổi “định mệnh” của mình và của cả một Dân tộc.
CHƯƠNG 3
TÂM VŨ TRỤ VÀ NĂNG LƯỢNG
Trong chương 1 và chương 2 đã khẳng định Tâm Vũ trụ chưa hai thành tố: Vận động và Thông tin. Trong chương này chúng tôi sẽ mô tả khái niệm Năng lượng và khẳng định năng lượng là một thành tố nữa có ở Tâm Vũ trụ.
Trước khi đưa ra các định lý, hệ quả và kết luận liên quan ta hãy xây dựng khái niệm cơ bản - Năng lượng.
1. NĂNG LƯỢNG
Năng lượng lượng là một khái niệm mà hầu như ai cũng biết nhưng để hiểu thấu đáo về nó, đặc biệt khi ta nói đến năng lượng của các đối tượng phi vật lý, phi vật thể thì không phải bao giờ ta cũng đi đến chỗ nhất trí. Trong bài viết này chúng tôi dùng năng lượng với nghĩa tổng quát sau đây:
Định nghĩa 4
Giả sử A là một đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ. Mọi yếu tố gây ra sự vận động của A đều được gọi là năng lượng có trong A.
Trong chương 1 chúng tôi đã đưa ra khái niệm vận động. Ở đây cần nhắc lại và bổ sung như sau: Vận động là khái niệm chỉ sự đổi chỗ trong không gian; sự thay đổi trong các phản ứng hoá học; sự hưng thịnh hoặc suy thoái của một quốc gia, một thể chế; sự sinh trưởng hoặc diệt vong của các sinh vật; sự thay đổi tư duy của một con người; sự chuyển động của các thông tin v.v...
Năng lượng là yếu tố gây ra sự vận động của một đối tượng bất kỳ. Không có sự vận động nào mà không cần đến năng lượng.
2. TÂM VŨ TRỤ VÀ NĂNG LƯỢNG
Đến đây, ta đưa ra một định lý khẳng định năng lượng là một thành tố thứ ba có ở Tâm Vũ trụ.
Định lý 13
Tâm Vũ trụ chứa năng lượng.
Chứng minh: Giả sử A là một đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ. Theo tiên đề 2 trong chương 1 suy ra A vận động. Theo mô tả khái niệm năng lượng suy ra A chứa năng lượng. Hay nói cách khác, A có năng lượng là một thuộc tính của A. Theo định nghĩa Tâm Vũ trụ trong chương 1 suy ra Tâm Vũ trụ chứa năng lượng. Suy ra đ.p.c.m.
Như vậy, ta đã chứng minh mọi đối tượng trong Vũ trụ đều có năng lượng. Năng lượng là nguyên nhân sinh ra vận động nhưng năng lượng được biết đến thông qua vận động. Vì bản thân năng lượng cũng là một đối tượng trong Vũ trụ nên nó, tuân theo tiên đề 2 trong chương 1 cũng không ngừng vận động.
Thông tin là một dạng của vận động nên để truyền thông tin giữa các đối tượng cũng cần phải có năng lượng. Ngược lại, năng lượng mà hai đối tượng truyền cho nhau chính là mối quan hệ của hai đối tượng đó nên năng lượng cũng chính là thông tin.
Tóm lại, ba thành tố: vận động, thông tin và năng lượng tạo nên Tâm Vũ Trụ, nếu suy cho đến kiệt cùng thì chỉ là một mà thôi. Tuy nhiên, vẫn cần nhắc lại là sự hiểu biết của chúng ta mới chỉ ở một lân cận Ue nào đó của Tâm Vũ trụ nên việc nhìn Tâm Vũ trụ từ nhiều phía sẽ cho ta hình ảnh rõ hơn về nó.
Đến đây ta bàn đến việc truyền năng lượng giữa các đối tượng trong Vũ trụ. Ta sẽ chứng minh một định lý nói về cơ chế chung nhất của việc truyền năng lượng giữa chúng
Định lý 14
Năng lượng được truyền giữa hai đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ đều phải thông qua Tâm Vũ trụ.
Chứng minh: Giả sử A và B là hai đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ. E là năng lượng được truyền giữa A và B. Khi đó rõ ràng E là mối liên hệ giữa A và B. Theo định nghĩa thông tin trong chương 2 suy ra E là thông tin giữa A và B. Theo định lý 9 trong chương 2, E phải thông qua Tâm Vũ trụ. Suy ra đ.p.c.m.
Giống như chương 2, định lý này cho ta một định lý rất quan trọng
Định lý 15
Tâm Vũ trụ chứa toàn bộ năng lượng của các đối tượng trong Vũ trụ
Chứng minh: Giả sử tồn tại một đối tượng A mà năng lượng E của nó không chứa trong Tâm Vũ trụ. Khi đó nếu A truyền năng lượng này cho bất cứ đối tượng nào thì E cũng không thông qua Tâm Vũ trụ. Điều này mâu thuẫn với định lý 3.2. Suy ra đ.p.c.m.
Như vậy chúng ta đã chứng minh được một điều vô cùng quan trọng là: cùng với việc nắm giữ toàn bộ thông tin, Tâm Vũ trụ còn chứa toàn bộ năng lượng của mọi đối tượng trong Vũ trụ.
Tiếp theo ta sẽ chứng minh một định lý liên quan tới vận tốc của việc truyền năng lượng từ Tâm vũ trụ đến các đối tượng.
Định lý 16:
Năng lượng được truyền từ Tâm Vũ trụ đến mọi đối tượng trong Vũ trụ là tức thời đối với mọi hệ quy chiếu.
Chứng minh: Ta chứng minh bằng phản chứng. Giả sử A là một đối tượng bất kỳ trong một hệ quy chiếu nào đó mà nhận năng lượng từ Tâm Vũ trụ đến nó là không tức thời. Khi đó tồn tại thời điểm to nào đó sao cho A không có năng lượng. Hay nói cách khác tại thời điểm to đó A không vận động. Điều này trái với tiên đề 1.2 trong chương 1. Suy ra đ.p.c.m. Như vậy ta đã chứng minh bốn định lý tới năng lượng cho ta xem xét lại bức tranh toàn cảnh của Vũ trụ.
3. KẾT LUẬN CỦA CHƯƠNG 3
· Vì Vũ trụ là vô cùng vô tận nên nguồn năng lượng ở Tâm Vũ trụ là vô cùng vô tận. Nguồn năng lượng vĩ đại này cung cấp năng lượng cho từng đối tượng trong Vũ trụ một cách tức thời khiến cho ta có cảm giác năng lượng đó đã có sẵn, tiềm ẩn trong đối tượng đó.
· Bất cứ đối tượng nào muốn truyền năng lượng cho đối tượng khác đều phải truyền thông qua Tâm Vũ trụ. Điều này là mới mẻ đối với quan niệm xưa của chúng ta.
· Nếu chúng ta sống càng gần Tâm Vũ trụ, tức là sống phù hợp với các quy luật phổ quát nhất thì trí tuệ càng minh mẫn vì Tâm Vũ trụ là miền giao của các chân lý vĩ đại. Sống càng gần Tâm Vũ trụ thì sức khoẻ càng được nâng cao vì Tâm Vũ trụ chứa toàn bộ năng lượng của Vũ trụ.
· Quốc gia nào có một xã hội và tổ chức nhà nước càng gần Tâm Vũ trụ tức là phù hợp với các quy luật phổ quát nhất của Vũ trụ thì quốc gia đó càng hùng mạnh.
· Bất cứ hành vi nào của con người, dù có giữ bí mật đến đâu vẫn để lại dấu vết ở Tâm Vũ trụ vì Tâm Vũ trụ chứa toàn bộ thông tin của Vũ trụ.
KẾT LUẬN CỦA CUỐN SÁCH
· Theo một lôgic, từ chương 1, chương 2 đến chương 3 chúng ta đã lần lượt khẳng định: Tâm Vũ trụ chứa vận động, Tâm Vũ trụ chứa thông tin và Tâm Vũ trụ chứa năng lượng. Bằng việc phát biểu hai tiên đề, chứng minh 16 định lý và mộtt loạt các kết luận, bức tranh Vũ trụ hiện tồn của chúng ta đã được vẽ lên. Trong bức tranh đó, Tâm Vũ Trụ là tâm điểm của sự xem xét. Tâm Vũ Trụ là tồn tại và duy nhất, lung linh, huyền ảo. Nó chứa toàn bộ sức mạnh của Vũ trụ. Nó mang đến sự vận động, thông tin và năng lượng cho mọi đối tượng trong Vũ Trụ một cách tức thời khiến cho ta tưởng rằng chúng là thuộc tính, cái “tự có” của các đối tượng trong Vũ Trụ.
· Vì chúng ta, những con người trên trái đất, tại mọi thời khắc đều nhận được các thông tin từ vô vàn các nền văn minh ngoài trái đất và vì có các nền văn minh yếu hơn trái đất, có nền văn minh mạnh hơn trái đất nên trong mỗi chúng ta có cả cái ác và cái thiện, có cả sự ngu si và thông thái, có cả cấi hèn đớn và sự cao thượng, có cả tình yêu và lòng căm thù v.v... Muốn hướng đến cái thiện, cái thông tuệ, cái cao thượng tình yêu và lòng vị tha v.v... thì phải hướng tới Tâm Vũ Trụ. Nơi đó hội tụ tất cả các chân lý vĩ đại, hội tụ tất cả trí tuệ của các nền văn minh! Nơi đó chứa toàn bộ thông tin và năng lượng của Vũ Trụ!
· Không nên sợ rằng chúng ta phát hiện ra nhiều thành tố tạo nên Tâm Vũ trụ sẽ mâu thuẫn với hai định lý Tâm Vũ trụ tồn tại và duy nhất. Đến một cấp độ nào đó, chúng ta lại lấy miền giao của các thành tố đó để tiến đến một lân cận gần Tâm Vũ trụ hơn.
· Lung linh, huyền ảo và thiêng liêng như thế nhưng Tâm Vũ Trụ có trong mọi đối tượng nói chung và có trong mọi con người, mọi sinh linh nói riêng. Tâm Vũ Trụ ở ngay trong lòng ta, trong tâm trí ta và trong những thứ giản dị nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đỗ Xuân Thọ:
Lý giải từ góc độ toán học một số luận điểm cơ bản của triết học về vũ trụ. Tạp chí Triết học tháng 1 năm 2003, Việt Nam
[2] Kelly J.L.: Tôpô đại cương (Bản tiếng Việt)
[3] Quine W.V.O: Mathematical logic, Cambridge (USA),1947
PHỤ LỤC
HỎI ĐÁP VỀ TRIẾT HỌC TÂM VŨ TRỤ
Sau khi viết xong bản thảo của từng chương, tác giả đã gửi cho một số nhà khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và bạn bè nhằm lấy ý kiến góp ý, nhận xét phản biện. Ngoài ra tác giả đã đưa lên mạng internet toàn bộ tác phẩm để lấy ý kiến của các nhà khoa học và bạn bè khắp năm châu. Tác giả đã rất biết ơn những ý kiến chân thành, đồng thời đã tiếp thu, trao đổi và tranh luận với những ý kiến đó. Để làm sáng tỏ một số vướng mắc, tác giả sẽ ghi chép lại một cách trung thực dưới dạng hỏi đáp những tranh luận trên giữa tác giả (ĐXT) và độc giả. Sau đây là nội dung chi tiết
HỎI: Ông đặt tên cho tác phẩm triết học của ông là Tâm vũ trụ. Mới nghe, người ta dễ hiểu lầm ông là một nhà Vật lý hoặc Thiên văn. Ông hãy giải thích rõ cho độc giả của chúng tôi về sự khác nhau rất cơ bản giữa khái niệm Vũ trụ của ông và Vũ trụ của thiên văn vật lý.
ĐXT: Trước hết, đối với Vật lý và Thiên văn học, Vũ trụ của họ được cấu thành từ những hạt cơ bản và giới hạn của họ là hạt Quắc (cho tới thời điểm 2002). Còn Vũ trụ theo quan điểm của chúng tôi nó bao gồm mọi thứ (nó là hợp của mọi đối tượng) trong đó có thể chỉ ra một cách rất cụ thể chẳng hạn là ý thức! Và đối với chúng tôi, vật chất và ý thức là thống nhất. Chúng tôi không chém chúng ra để nghiên cứu. Vũ trụ của chúng tôi tổng quát hơn Vũ trụ của Vật lý học và Thiên văn học rất nhiều lần. Làm sao Vũ trụ của Vật lý lại có thể chứa được một làn điệu dân ca như Vũ trụ của chúng tôi!
HỎI: Như vậy là cái miền nghiên cứu của ông vô cùng rộng lớn. Ông, một tiến sĩ cơ học ứng dụng và như ông đã nói, ở lời nói đầu là ông không thừa kế bất kỳ tư tưởng triết học nào của thế giới. Thế thì làm thế nào mà chúng tôi có thể tin được ông? Làm thế nào người ta có thể tin được một con người bình thường lại nói về những thứ vô cùng cao siêu như vậy?
ĐXT: Trước hết đừng quên rằng: Tâm vũ trụ có trong mọi đối tượng vì nó là miền giao của mọi đối tượng trong Vũ trụ. Nó tồn tại và duy nhất. Hiểu được Tâm vũ trụ là có thể hiểu và làm chủ được cả Vũ trụ. Mà Tâm vũ trụ chính là bản chất của mọi đối tượng, là thuộc tính của mọi đối tượng là cái mà tạo hoá ban cho mọi đối tượng trong Vũ trụ. Nó chính là Chân lý tối thượng, ý niệm tuyệt đối, là Tạo hoá, là Thượng đế, là hạt nhỏ nhất trong các hạt cơ bản của Vật lý v.v...
Nhưng, nó có trong mọi đối tượng. Hay nói một cách khác là từ ba quét rác cho đến các nhà bác học. Từ cậu bé nằm trong bụng mẹ đến các bậc vĩ nhân râu tóc bạc phơ v.v... đều có thể hiểu được Tâm vũ trụ, đều được “ban phát” bởi Tâm vũ trụ.
Một cách cụ thể là... ông có tin rằng có những nền văn minh ngoài Trái Đất không? Ông không tin sao được! Bởi ông không tin ông sẽ rơi vào thuyết Địa tâm mà Côpécníc đã đập cho tan tành trong thiên văn học... Mối liên hệ giữa các nền văn minh là có thật nhưng không thô thiển như có người ngoài hành tinh đến Trái Đất mà là sự lan truyền sóng ý thức. Một con người sinh ra được thừa hưởng 3 yếu tố:
1. Gien di truyền của bố mẹ
2. Sự giáo dục của xã hội (loài người)
3. Sự lan truyền ý thức từ các nền văn minh ngoài Trái Đất đến Trái Đất, hoặc từ chính Tâm vũ trụ đến.
Tóm lại, có thể tôi đã viết Triết học Tâm Vũ trụ trong trường ý thức rất gần Tâm vũ trụ lan truyền đến Trái Đất.
Hơn nữa tôi chỉ viết nên những quy luật phổ quát nhất_Triết học. Vâng, nó là môn khoa học chỉ nghiên cứu những quy luật chung nhất của Tự nhiên, Xã hội và Tư duy.
HỎI: Ông thử đọc một sự “mách bảo” của Tâm vũ trụ hoặc chí ít là của một nền văn minh ngoài Trái đất.
ĐXT: Ông rất nhầm lẫn! Trước hết các “sóng ý thức” được truyền từ những “quần tụ ý thức” ngoài Trái đất hoặc chính từ Tâm vũ trụ mới chỉ là các “hạt” cấu thành các ý niệm, cấu thành các tư duy, cấu thành “sự mách bảo” mà ông vừa mô tả. Nó sẽ trở thành tư duy, là ý thức khi mà ta tập trung tư tưởng tìm kiếm Tâm vũ trụ (phép thiền).
HỎI: Tất cả những nhà khoa học tự nhiên đều công nhận lý thuyết Vụ nổ lớn (Big Bang) và Vũ trụ của chúng ta đang nở ra nhưng hữu hạn. Lý thuyết này còn được công nhận ở Vaticăng. Như vậy tiên đề Vũ trụ là vô cùng vô tận của ông sai chăng?
ĐXT: Tôi sẽ mô tả quan niệm của chúng tôi trước khi đi đến tiên đề Vũ trụ là vô cùng, vô tận. Ví dụ ta tư duy theo một hướng cụ thể sau:
Ta hãy gọi Vũ trụ Einstein là V0 và mỗi con người sống trên Trái đất này là N0 Ta hãy hình dung toàn bộ V0 chỉ là một nội tạng nhỏ bé của một sinh vật khổng lồ N1 nào đó (ví dụ lá phổi chẳng hạn việc V0 đang nở ra vì sinh vật N1 đang hít vào…). Và đến lượt mình sinh vật N1 cùng đồng loại “bé bỏng” của mình lại sống trong một vũ trụ V1 như loài người sống trong vũ trụ Einstein V0. Nhưng vũ trụ V1 đến lượt mình lại chỉ là một nội tạng của sinh vật N2 v.v… Cứ như thế ta có dãy V0, V1., V2,…, Vn với n tiến tới vô cùng. Tương tự như thế, cơ thể của mỗi chúng ta là vũ trụ của các siêu vi trùng trong người ta…Ta lại lập được dãy V0, V-1, V-2, …, V-n với n tiến tới vô cùng. Khi đó Vũ trụ V* là hợp của tất cả các vũ trụ vừa mô tả sẽ là một phần của vũ trụ V mà chúng tôi mô tả trong tác phẩm. Như vậy sự vô cùng vô tận của Vũ trụ là hiển nhiên.
Ngoài cách tư duy này, còn vô hạn cách tư duy khác cũng dẫn đến việc công nhận tiên đề của chúng tôi.
HỎI: Công cụ mà ông dùng để diễn tả triết học Vũ trụ là phương pháp tiên đề của Toán học. Nhưng Toán học chỉ là một khoa học bị bao trùm bởi triết học. Ông không sợ rằng nó không chứa nổi triết học của ông sao? Vì suy cho cùng Toán học là một trò chơi khôn ngoan nhất về số và lượng. Nếu ông công nhận luật chơi mà tôi quy định (các tiên đề) thì ông phải công nhận những định lý và hệ quả mà tôi nêu ra! Ông nghĩ sao về điều đó?
ĐXT: Trước hết ông đã hiểu rất sai về Toán học, đặc biệt là Toán học hiện đại. Nhưng điều này tôi sẽ tranh luận với ông sau.
Theo các giáo lý của đạo Cơ đốc thì “Mọi con đường đều dẫn tới Rôma”. Ý của họ nói rằng bằng bất kỳ con đường nào cũng có thể đến với Chúa trời. Đây là một sự tổng kết sâu sắc. Ở đây Chúa trời của họ là những lời dạy của Giêsu. Đối với chúng tôi cũng gần tương tự như vậy. Nếu ta đi bằng bất cứ con đường nào: Văn học, Triết học, Toán học, Hoá học, Vật lý học v.v... mà hướng Tâm vũ trụ thì cũng sẽ dẫn đến chân lý tuyệt đối. Tức là ta cứ đặt các câu hỏi Tại sao và trả lời. Rồi lại hỏi để rồi lại vắt óc ra để trả lời... Cứ như thế ta sẽ đi đến Triết học Tâm Vũ trụ.
Toán học với lôgic mờ tập mờ có thể mô tả (ở thời điểm hiện tại) được hầu như hết những tư tưởng triết học vĩ đại nhất. Tuy nhiên tôi vẫn luôn luôn nhắc độc giả ý nghĩa của chúng không nên hiểu hời hợt mà sâu sắc vô cùng. Toán học đối với chúng tôi chỉ như một vật mang tin; chỉ như một tác động gây nên một suy tưởng sâu xa đối với những gì mà người ta đang đọc.
HỎI: Ông công nhận sự tồn tại của linh hồn do đó triết học của ông là duy tâm. tại sao ông không công nhận điều này?
ĐXT: Trước hết khái niệm Duy Vật và Duy Tâm đối với chúng tôi là hết sức vô nghĩa. Ví dụ một ông Duy Tâm hỏi tôi: ”Linh hồn là gì?” thì tôi sẽ trả lời: ”Linh hồn là tập hợp các siêu hạt cơ bản cấu thành. Những siêu hạt này nhỏ như hạt cát nếu ví hạt Quắc là trái đất”. Ngược lại một ông Duy Vật hỏi tôi rằng: ”Mặt trời có ý thức không?” thì tôi sẽ trả lời là có! Và rằng mọi vật, kể cả những vật vô tri nhất như các ông tưởng, đều có linh hồn! Bởi tập các mối liên hệ của những vật vô tri đó với các đối tượng mà các ông gọi là “ý thức” chính là linh hồn của vật vô tri đó.
HỎI: Theo ông thì đến một ngày nào đó loài người có thể bắt được “sóng ý thức” từ các nền văn minh ngoài Trái Đất không?
ĐXT: Ông nên nhớ, trong chương 2 chúng tôi đã khẳng định rằng hàng ngày, hàng giờ, hàng giây thậm trí micro giây loài người luôn luôn nhận được những sóng ý thức từ các nền văn minh ngoài Trái Đất. Tuy nhiên để tạo ra một thiết bị thu được sóng ý thức đó thì không thể sử dụng các vật liệu hữu hình. Nếu chúng ta làm chủ được công nghệ này thì ứng dụng của nó rất khủng khiếp. Ví dụ chúng ta sẽ tạo ra các trường học mà các học sinh, sinh viên Việt Nam ở đó được cảm thụ những bài giảng của các nền Văn minh ngoài Trái Đất và mạnh hơn nhiều lần nền văn minh của Trái Đất...
HỎI: Cách chứng minh định lý Định lý 2.3:
Vận tốc của ánh sáng
c gần bằng 300.000 km/s
không phải là giới hạn vận tốc của các thông tin trong Vũ trụ
hơi “buồn cười“. Ông hứa sẽ chứng minh định lý này “nội tại”hơn. Nhưng trong toàn bộ tác phẩm ông không sờ đến. Tại sao vậy?
ĐXT: Trong toán học, để đánh gục một mệnh đề nào đó chỉ cần chỉ ra một phản ví dụ. Cách chứng minh của chúng tôi không buồn cười chút nào vì đã chỉ ra một phản ví dụ đúng đắn. Nó chỉ “buồn cười”đối với các ông Duy vật cực đoan.
Ngay tiếp theo sau chúng tôi đã phát biểu và chứng minh định lý 2.4:
Tâm vũ trụ truyền thông tin đến mọi đối tượng trong Vũ trụ với vận tốc tức thời trong mọi hệ quy chiếu.
đã là cách chứng minh “nội tại” rồi đó
HỎI: Bằng việc ông đã chứng minh được vận tốc của tư duy nhanh hơn vận tốc ánh sáng hàng tỷ lần ông đã đánh gục được một tiên đề của thuyết tương đối do Einstein xây dựng. Ông có ý định phủ nhận Einstein không?
ĐXT:Không bao giờ. Vũ trụ vật lý của Einstein là một trường hợp riêng của Vũ Trụ theo quan niệm của chúng tôi. Vũ Trụ Einstein có ý nghĩa rất lớn đối với loài người. Chúng tôi chỉ chống lại những người đồng nhất Vũ Trụ Einstein với Vũ Trụ của chúng tôi. Trong thâm tâm, tôi vẫn kính nể Einstein.
HỎI: Khát vọng thống nhất các trường phái triết học, thống nhất các tôn giáo trên hành tinh của ông có điên rồ không?
ĐXT: Không điên rồ chút nào vì Tâm Vũ Trụ (Chân lý tối thượng, Thượng Đế...) như chúng tôi đã chứng minh là tồn tại và duy nhất. Chúng tôi còn muốn thống nhất tôn giáo với triết học và do đó thống nhất tôn giáo với khoa học nữa cơ.
HỎI: Ông có cảm giác rằng ông là một vĩ nhân không? Ông có cho rằng dân tộc ông là một dân tộc thượng đẳng không?
ĐXT: Tôi không bao giờ coi tôi là vĩ nhân. Tôi cảm thấy tôi bình thường như tất cả những người khác.
Dân tộc tôi cũng vậy. Trước hết tôi khẳng định: Dân tộc Việt Nam là một dân tộc không thua kém bất kỳ dân tộc nào về trí thông minh. Các quy luật phổ quát của Vũ trụ (tức là gần Tâm vũ trụ ) thường nằm ở miền giao của các cực đối lập. Dân tộc tôi suốt một nghìn năm qua bao giờ cũng là dân tộc đứng lên cầm vũ khí, quyết dành và giữ lấy quyền sống của mình khi cái chết đang treo lơ lửng trên đầu như một hòn núi. Hai cực đối lập Sống _ Chết đó vẫn có miền giao là Tâm vũ trụ nên dân tộc tôi sống và tư duy ở những thứ gần Tâm Vũ trụ nhất. Dù cho trước đây dân tộc tôi chưa có một triết học viết thành văn nhưng từ trong sâu thẳm của trái tim, từ trong sâu thẳm của linh hồn, dân tộc tôi đã thấu hiểu các quy luật phổ quát ở lân cận Tâm Vũ trụ.
Tôi chỉ là người may mắn được ghi chép lại những tư tưởng đó.
Và như ông đã biết khi một dân tộc hiểu được các quy luật đó thì sợ gì không giàu, không mạnh và không nhân ái.