Càng gần đến ngày chúng ta tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các thế lực phản động càng tăng cường chống phá bằng những bài viết xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, trong đó có những vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có những ý kiến suy diễn thiếu khách quan, cho rằng đó là “mô hình kinh tế quái gở”. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh đây là mô hình kinh tế tối ưu của Việt Nam trong giai đoạn quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội và là sự lựa chọn sáng suốt, đúng đắn của Đảng ta.
Sự ra đời của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam gắn liền với công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Công cuộc đổi mới này đã được toàn dân ủng hộ và thu được những thành tựu quan trọng mà cả thế giới đều công nhận. Sự hình thành tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là cả một quá trình tìm tòi thể nghiệm, phát triển từ thấp lên cao, từ chưa đầy đủ, hoàn thiện tới ngày càng đầy đủ, sâu sắc và hoàn thiện.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình đổi mới của Đảng ta. Tại đại hội này, lần đầu tiên, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra quan điểm “phát triển nền kinh tế hàng hóa có kế hoạch gồm nhiều thành phần đi lên chủ nghĩa xã hội”, coi đây là vấn đề "có ý nghĩa chiến lược và mang tính quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội". Đến Đại hội VII, Đảng đã khẳng định: "Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước". Tới Đại hội Đảng VIII, Đại hội IX và Đại Hội X, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được khẳng định một cách sâu sắc, đầy đủ hơn như là mô hình kinh tế tổng quát hay mô hình mới của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Để chuẩn bị cho Đại hội XI của Đảng, từ nhiều tháng nay, các cơ quan chức năng của Đảng đã tập trung nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn và chắc chắn, trong các văn kiện trình Đại hội, nội dung về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam sẽ được trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc, xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn sâu sắc, bắt nguồn từ bối cảnh thời đại và điều kiện lịch sử – cụ thể của đất nước. Thực tiễn đã khẳng định, sự lựa chọn con đường và mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế đã đáp ứng được yêu cầu "đi tắt, đón đầu" và phù hợp với nguyện vọng của đại đa số nhân dân Việt Nam.
Trong quá trình phát triển của nền kinh tế hàng hóa dẫn đến nền kinh tế thị trường đã trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển với nhiều mô hình khác nhau. Ngay trong thời hiện đại này cũng có mô hình: Kinh tế thị trường tự do, kinh tế thị trường xã hội, kinh tế thị trường theo định hướng xã hội, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa... Tại Việt Nam, có thể hiểu khái quát: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là kinh tế thị trường, vừa tuân thủ theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa phải theo định hướng của chủ nghĩa xã hội. Có nghĩa là, trong khi chú ý tới tăng trưởng kinh tế, thì hết sức coi trọng tới vấn đề xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, hạn chế sự chênh lệch giàu-nghèo, phấn đấu để có nhiều người giàu nhưng đồng thời cũng hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ tình trạng đói nghèo trong nhân dân. Bên cạnh đó, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm chăm lo cho những người có công, những gia đình neo đơn, gặp khó khăn, cơ nhỡ, những đối tượng được xem là yếu thế trong xã hội.
Hiện tại, kinh tế thị trường của Việt Nam không phải là kinh tế thị trường tự do, nhưng cũng chưa phải là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, có nghĩa là Việt Nam đang ở giai đoạn quá độ, giai đoạn chuyển đổi, đòi hỏi phải giải quyết rất tốt mối quan hệ giữa cung và cầu, quy luật giá trị với sự định hướng bằng kế hoạch, bằng chính sách, bằng chiến lược của Nhà nước; mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội thể hiện ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; trong khi chú ý mở cửa hội nhập, vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn cho được truyền thống văn hóa của dân tộc, làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Đây là nhân tố bảo đảm cho việc phát triển bền vững, bảo đảm cho định hướng xã hội chủ nghĩa… Như vậy, mục tiêu của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phù hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân Việt Nam.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng pháp luật, bằng các công cụ điều tiết như chính sách thuế, chính sách quản lý thị trường, chính sách thu hút đầu tư… Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng, hữu cơ của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Khu vực kinh tế nhà nước, cùng với nhà nước có chức năng quản lý vĩ mô nền kinh tế. Nhà nước thay mặt nhân dân nắm giữ những doanh nghiệp chủ chốt trong hệ thống kinh tế quốc dân. Đó cũng là những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không làm được hoặc không hiệu quả.
Thực tế vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hơn hai chục năm qua đã khẳng định đây là mô hình tối ưu của Việt Nam trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội, là nhân tố bảo đảm cho phát triển bền vững của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Vận hành theo cơ chế này, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ chỗ nghèo nàn lạc hậu, đến giờ đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển. Từ chỗ làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất ít, nhập nhiều, bây giờ hàng hóa tràn ngập thị trường Việt Nam. Từ chỗ khép kín, hiện Việt Nam mở cửa quan hệ rộng lớn với tất cả các nước trên thế giới. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Hơn hai chục năm trước, Việt Nam có tới 48% số hộ nghèo, đến giờ còn khoảng 10%. Vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, trong năm 2009, khi đại đa số các nước tăng trưởng âm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng dương. Đặc biệt, trong giai đoạn từ đầu năm 2010 đến nay, trước sóng gió của nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển một cách ngoạn mục. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước đạt 5,83%, gấp gần 1,9 lần tốc độ tăng trong quý I-2009. Đáng chú ý là sự phục hồi diễn ra ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực kinh tế then chốt: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,8%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,6%; thị trường trong nước tiếp tục phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng cao, trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng theo giá thực tế tăng 24,1%, hoạt động du lịch sôi nổi, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 36,2% so với cùng kỳ năm trước; thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội ước tính tăng 26,23% so với cùng kỳ năm trước đặc biệt là khu vực ngoài nhà nước tăng tới 46,38%; ...
Rõ ràng, thực tế đã khẳng định, xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội loài người. Mục tiêu của nền kinh tế này là phát triển kinh tế để dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, đây là mô hình do chúng ta tự xây dựng, không có khuôn mẫu cụ thể do đó, trong quá trình xây dựng không tránh khỏi khiếm khuyết. Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận rõ những khiếm khuyết này và đã từng điều chỉnh trong từng giai đoạn. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tới đây, trong Cương lĩnh mới của Đảng, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp với xu thế mới của thời đại, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Quan điểm của một số người cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện nay “chẳng giống ai”, “khoác tấm áo của chủ nghĩa xã hội nhưng bên trong lại là tư bản”, là nền kinh tế “quái gở”… là cố tình bóp méo sự thật.
Đỗ Phú Thọ